Đề thi cuối kỳ Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học – Tự luận

Gửi tới bạn đọc bộ câu hỏi chủ đề thi chủ nghĩa xã hội khoa học tự luận được mình tổng hợp giúp các bạn ôn tập được dễ dàng hơn.

Xem thêm: đề thi kinh tế chính trị Mác Lênin

Chủ đề 1: Phân tích điều kiện kinh tế – xã hội cho sự ra đời chủ nghĩa xã hội khoa học?

Trả lời

*Khái niệm:

– Theo nghĩa rộng, CNXHKH (hay CN cộng sản khoa học) là chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung với tính cách là sự luận toàn diện (Triết học, KTCT và XHCT) về sự diệt vong tất yếu của CNTB và thắng lợi tất yếu của CNCS, là sự biểu hiện khoa học những lợi ích cơ bản và những nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp công nhân. Điều ấy nói lên sự thống nhất, tính hoàn chỉnh về mặt cấu trúc của chủ nghĩa Mác-Lênin.

– Theo nghĩa hẹp, CNXHKH là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác-Lênin. CNXHKH là bộ phận thể hiện tập trung nhất tính chính trị – thực tiễn sinh động của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Khẳng định điều kiện ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học cũng giống như sự ra đời của chủ nghĩa Mac-Lê nin. Cụ thể:

– Những năm 40 của thế kỷ XIX phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống trị ở hầu hết các nước Châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp. Nước Anh đã trở thành cường quốc tư bản chủ nghĩa lớn nhất với lực lượng công nghiệp hùng mạnh. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Pháp đang được hoàn thành.

– Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ. Nhờ vậy, tính hơn hẳn của chế độ tư bản chủ nghĩa so với chế độ phong kiến được thể hiện một cách rõ rệt. Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại.

– Giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị về chính trị trên thế giới ngày càng thể hiện bản chất bóc lột.

– Mâu thuẫn xã hội phát triển, đặc biệt là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản ==> đấu tranh của công nhân nổ ra và thất bại.

– Điều kiện đó là cơ sở để nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản kỹ hơn, khoa học hơn, đồng thời điều  kiện kinh tế – xã hội cũng yêu cầu cần có một lý luận cách mạng mới ra đời để chỉ đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân.

* Ý nghĩa phương pháp luận khi nghiên cứu về điều kiện kinh tế – xã hội dẫn tới sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học:

– Chủ nghĩa xã hội khoa học được bắt nguồn từ những tiền đề trước đó. Nó là một bộ phận dòng chảy của nhân loại về chủ nghĩa xã hội.

– Chủ nghĩa xã hội khoa học vượt lên trên các trào lưu tư tưởng trước đó về một xã hội tốt đẹp.

– Thấy được cống hiến lớn lao của Các Mác và Ăng ghen đối với nhân loại. Bổ sung và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện lịch sử mới.

Nội dung

Chủ đề 2: Phân tích tiền đề khoa học tự nhiên và tư tưởng lý luận cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học?

Trả lời

* Tiền đề khoa học tự nhiên:

– Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khoa học tự nhiên phát triển mạnh với nhiều phát minh quan trọng, cung cấp cơ sở tri thức khoa học để tư duy biện chứng trở thành khoa học.

+ Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng đã dẫn đến kết luận triết học là sự phát triển của vật chất là một quá trình vô tận của sự chuyển hóa những hình thức vận động của chúng.

+ Thuyết tế bào xác định sự thống nhất về mặt nguồn gốc và hình thức giữa động vật và thực vật; giải thích quá trình phát triển của chúng; dặt cơ sở cho sự phát triển của toàn bộ nền sinh học; bác bỏ quan niệm siêu hình về nguồn gốc và hình thức giữa thực vật với động vật.

+ Thuyết tiến hóa đã khắc phục được quan điểm cho rằng giữa thực vật và động vật không có sự liên hệ; là bất biến; do Thượng Đế tạo ra và đem lại cho sinh học cơ sở khoa học, xác định tính biến dị và di truyền giữa các loài.

– Chủ nghĩa Mác ra đời là một tất yếu lịch sử. Sự ra đời của nó không những do nhu cầu khách quan của thực tiễn xã hội lúc bấy giờ, do sự kế thừa những thành tựu trong lý luận và được kiểm chứng bằng các thành tựu của khoa học, mà còn do bản thân sự phát triển của lịch sử đã tạo ra những tiền đề khách quan cho sự ra đời của nó

* Tiền đề tư tưởng  lý luận:

– Chủ nghĩa Mác ra đời không chỉ xuất phát từ nhu cầu khách quan của lịch sử mà còn là kết quả của sự kế thừa tinh hoa di sản lý luận của nhân loại, trong đó trực tiếp nhất là triết học cổ điển Đức, kinh tế – chính trị cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng ở các nước Pháp và Anh.

+ Với Triết học cổ điển Đức, đặc biệt là triết học của Ph.Hêghen là L.Phoibac đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành thế giới quan và phương pháp luận triết học của Chủ nghĩa Mác.
Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác đã kế thừa những nội dung cơ bản trong phép biện chứng của Ph.Hêghen, chủ nghĩa duy vật của L.Phoibac. Đồng thời, các ông cũng khắc phục những hạn chế cơ bản của hai học thuyết ấy; đó là thế giới quan duy tâm trong triết học Hêghen và phương pháp siêu hình trong triết học của Phoiobac.

– Trên cơ sở đó các ông đã sáng lập ra một thế giới quan triết học mới là: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật. Nhờ thế giới quan mới này các ông đã vận dụng nó vào việc nghiên cứu một cách khoa học những quy luật chung nhất của sự phát triển xã hội, đặc biệt là nghiên cứu những quy luật ra đời, phát triển, suy tàn của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội.

+ Với kinh tế – chính trị cổ điển Anh, đặc biệt là với các học thuyết của những đại biểu lớn của nó (A.Xmit và Đ.Ricacdo), C.Mác và Ph.Ăngghen kế thừa những quan điểm hợp lý khoa học của những học thuyết này. Đó là: Quan điểm duy vật trong nghiên cứu lĩnh vực khoa học kinh tế chính trị và học thuyết giá trị về lao động. Đồng thời, các ông cũng phê phán và khắc phục tính chất chưa triệt để trong học thuyết giá trị về lao động và phương pháp siêu hình trong nghiên cứu của các nhà kinh tế học cổ điển Anh. Trên cơ sở đó các ông đã xây dựng thành công học thuyết về giá trị lao động và học thuyết giá trị thặng dư.

+ Với Chủ nghĩa xã hội không tưởng ở nước Anh và Pháp, đặc biệt là với những biểu lớn của nó là H.Xanh Ximong, S.Phurie và R.Ooen, C.Mác và Ph.Ăngghen đã kế thừa những tư tưởng nhân đạo và những sự phê phán hợp lý của các nhà tư tưởng này đối với những hạn chế cảu Chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, các ông cũng khắc phục và vượt qua những hạn chế trong học thuyết của họ. Đó là tính chất không tưởng trong các học thuyết ấy. Từ đó, các ông xây dựng nên một lý luận mới – lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội.

* Hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng:

– Không phát hiện ra được quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, bản chất và quy luật vận động của CNTB
– Không phát hiện ra lực lượng xã hội tiên phong có thể thể hiện cuộc chuyển biến từ cách mạng CNTB lên CN S- giai cấp công nhân
– Không chỉ ra được biện pháp cải tạo xã hội áp bức, bất công đương thời

==> Như vậy, những điều kiện tiền đề của sự ra đời Chủ nghĩa Mác bao gồm một điều kiện về kinh tế – xã hội và hai tiền đề. Bởi vậy, Chủ nghĩa Mác “cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân, những công cụ nhận thức vĩ đại” và Đảng Cộng sản Việt Nam “kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng”.

Chủ đề 3: Phân tích vai trò của C.Mác và Ph.Ăngghen đối với sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học?

Trả lời

Những điều kiện kinh tế – xã hội và những tiền đề khoa học tự nhiên và tư tưởng lý luận là điều kiện cần cho một học thuyết ra đời, song điều kiện đủ để học thuyết khoa học, cách mạng và sáng tạo ra đời chính là vai trò của C.Mác và Ăngghen.

1.Sự chuyển biến lập trường triết học và lập trường chính trị

Thoạt đầu, khi bước vào hoạt động khoa học, C.Mac và Angghen là 2 thành viên tích cực của câu lạc bộ Hêghen trẻ và chịu ảnh hưởng của quan điểm triết học của Hêghen và Phoi Ơ Bắc. Chỉ trong 1 thời gian ngắn vừa hoạt động thực tiễn,vừa nghiên cứu khoa học, C.Mac và Angghen đã thể hiện quá trình chuyển biến lập trường triết học và lập trường chính trị và từng bước củng cố, dứt khoát, kiên định, nhất quán và vững chắc lập trường đó. Nếu như không có sự chuyển biến này thì chắc chắn sẽ không có Chủ nghĩa xã hội khoa học.

2. Ba phát kiến vĩ đại của C.Mac và Angghen

a) Chủ nghĩa duy vật lịch sử

Bằng phép biện chứng duy vật, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, C.Mac và Angghen đã sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử – phát kiến vĩ đại thứ nhất của C.Mac và Angghen là sự khẳng định về mặt triết học sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đều tất yếu như nhau.

b) Học thuyết giá trị thặng dư

Từ việc phát hiện ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mac và Angghen đi sâu nghiên cứu nền sản xuất công nghiệp và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã sáng tạo ra “ Tư bản”, mà giá trị to lớn nhất của nó là “ Học thuyết giá trị thặng dư” – phát kiến vĩ đại thứ hai của C.Mac và Angghen là sự khẳng định về phương diện kinh tế sự diệt vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội.

c) Học thuyết về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân

Với phát kiến vĩ đại về Sứ mệnh lịch sử toán thế giới của giai cấp công nhân, những hạn chế có tính lịch sử của chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đã được khắc phục một cách triệt đẻ, đồng thời đã luận chứng và khẳng định về phương diện chính – trị xã hội sự diệt vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội.

3.Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Sự ra đời của tác phẩm vĩ đại này đanh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác bao gồm 3 bộ phận hợp thành: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Chủ đề 4: Tại sao nói Mác, Ăngghen đã biến chủ nghĩa xã hội không tưởng trở thành khoa học?

Trả lời:

Mác, Ăngghen đã biến chủ nghĩa xã hội không tưởng trở thành khoa học vì:

– Mác và Ăngghen đã có những đóng góp to lớn trong việc cung cấp những luận cứ thuyết phục để biến CNXH từ không tưởng trở thành CNXHKH. Với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác và Ăngghen đã cung cấp cho giai cấp công nhân ‘vũ khí’ lý luận, chỉ rõ vị thế và vai trò của họ trong sự phát triển của lịch sử.

– Trong lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, các ông cũng chỉ ra con đường dẫn dắt giai cấp công nhân đấu tranh giải phóng thoát khỏi sự nô dịch và bóc lột TBCN và tiến tới xây dựng CNXH và CNCS.

– Chính vì cậy, Lênin đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: điều quan trọng nhất trong học thuyết Mác là việc làm sáng tỏ vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản với tư cách là người xây dựng, kiến tạo xã hội mới. Và đã trải qua 3 giai đoạn để đi lên CNKH:

– Giai đoạn thứ nhất: mầm mống và khuynh hướng tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời cổ đại.

– Giai đoạn thứ hai: Tư tưởng XHCN từ thế kỉ XV đến thế cuối thế kỉ XVIII.

– Giai đoạn thứ ba: Chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX

Chủ đề 5: Trình bày nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân?

Trả lời

1.Nội dung tổng quát

– Giai cấp công nhân có nhiệm vụ xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh.

– Quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân gồm hai giai đoạn:

+ Giai đoạn thứ nhất, giai cấp công nhân phải làm cuộc cách mạng xã hội, chiếm lấy chính quyền nhà nước và biến tư liệu sản xuất thành sở hữu nhà nước, thiết lập chuyên chính vô sản.

+ Giai đoạn thứ hai, sau khi đã giành chính quyền về tay mình, giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân lao động thông qua chính đảng của nó tiến hành xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

– Quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là quá trình cách mạng lâu dài, gian khổ, phức tạp. Trong quá trình đó, giai cấp công nhân vừa là lực lượng lãnh đạo, vừa là động lực chính thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình.

2.Nội dung cụ thể

– Nội dung kinh tế:

Một là, phải xây dựng lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa ngày càng cao. Giai cấp công nhân là chủ thể của quá trình sản xuất vật chất để sản xuất ra của cải vật chất ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người và xã hội. Bằng cách đó, giai cấp công nhân tạo tiền đề vật chất – kỹ thuật cho sự ra đời của xã hội mới.

Hai là, phải thiết lập một quan hệ sản xuất mới dựa trên chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, phù hợp với tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất.

Ba là, phải thông qua quá trình công nghiệp hóa và thực hiện “một kiểu tổ chức xã hội mới về lao động”. Mục đích là để tăng năng suất lao động xã hội và thực hiện các nguyên tắc sở hữu, quản lý và phân phối phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phải gắn liền công nghiệp hóa với hiện đại hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

– Nội dung chính trị – xã hội:

Một là, phải tiến hành cách mạng chính trị để lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, xóa bỏ chế độ bóc lột, áp bức của chủ nghĩa tư bản, giành quyền lực về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Hai là, phải thiết lập nhà nước kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền lực của nhân dân, quyền dân chủ và làm chủ xã hội của tuyệt đại đa số nhân dân lao động.

Ba là, phải sử dụng nhà nước của mình, do mình làm chủ như một công cụ có hiệu lực để cải tạo xã hội cũ và tổ chức xây dựng xã hội mới; phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, pháp quyền; quản lý kinh tế – xã hội và tổ chức đời sống xã hội phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân lao động; thực hiện dân chủ, công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội theo lý tưởng và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

– Nội dung văn hóa, tư tưởng:

Phải cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng bao gồm cải tạo cái cũ lỗi thời, lạc hậu, xây dựng cái mới, tiến bộ trong lĩnh vực ý thức tư tưởng, tâm lý, lối sống và trong đời sống tinh thần xã hội.

Một là, phải xây dựng và củng cố ý thức hệ tiên tiến của giai cấp công nhân, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin; đấu tranh khắc phục ý thức hệ tư sản và các tàn dư còn sót lại của các hệ tư tưởng cũ.

Hai là, phải phát triển văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đạo đức và lối sống mới xã hội chủ nghĩa.

Ba là, phải xây dựng hệ giá trị mới: lao động, công bằng, dân chủ, bình đẳng và tự do. Hệ giá trị mới này là sự phủ định các giá trị tư sản mang bản chất tư sản và phục vụ cho giai cấp tư sản; những tàn dư các giá trị đã lỗi thời, lạc hậu của các xã hội quá khứ. Hệ giá trị mới thể hiện bản chất ưu việt của chế độ mới xã hội chủ nghĩa sẽ từng bước phát triển và hoàn thiện.

Chủ đề 6: Trình bày điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân?

Trả lời

Thứ nhất, do địa vị kinh tế của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa quy định.

+ Giai cấp công nhân là lực lượng quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Trong chủ nghĩa tư bản, nền sản xuất đại công nghiệp càng phát triển thì lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn nhân loại là công nhân, là người lao động.

+ Giai cấp công nhân là bộ phận cách mạng nhất trong các bộ phận cấu thành lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản, do đó họ đại diện cho lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hoá ngày càng cao.

+ Giai cấp công nhân có lợi ích cơ bản đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản. Họ không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản, bị nhà tư bản áp bức, bóc lột nặng nề.

Tóm lại, trong chủ nghĩa tư bản, từ địa vị kinh tế của mình, giai cấp tư sản muốn duy trì chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, duy trì chế độ áp bức bóc lột đối với giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động. Ngược lại, từ địa vị kinh tế của mình, giai cấp công nhân đã đặt ra nhiệm vụ cách mạng cho chính họ, đó là muốn xoá bỏ chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, giành lấy chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dùng chính quyền đó tổ chức xây dựng một xã hội mới.

Thứ hai, do địa vị chính trị- xã hội của giai cấp công nhân quy định.

+ Giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất. Bởi vì, giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; đời sống thành thị mở mang trí tuệ và tạo nên mối quan hệ phong phú cho giai cấp công nhân; cuộc đấu tranh cách mạng tôi luyện cho họ; được trang bị lý luận cách mạng tiên tiến.

+ Giai cấp công nhân là giai cấp có tinh thần cách mạng triệt nhất. Bởi vì, giai cấp công nhân có lợi ích cơ bản đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản, không có tư liệu sản xuất, bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề. Do đó, họ có tinh thần cách mạng triệt để chống lại giai cấp tư sản, chống chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Điều kiện sống, lao động trong chế độ tư bản chủ nghĩa đã chỉ cho họ thấy, họ chỉ có thể giải phóng mình bằng cách giải phóng cho toàn xã hội thoát khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa.

+ Giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Bởi vì, giai cấp công nhân lao động trong nền sản xuất đại công nghiệp với hệ thống sản xuất mang tính chất dây chuyền và nhịp độ làm việc khẩn trương buộc họ phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật lao động, tạo nên tính tổ chức, kỷ luật chặt chẽ của giai cấp công nhân. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp giai cấp công nhân hình thành các tổ chức nghiệp đoàn, các tổ chức chính trị trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản.

+ Giai cấp công nhân là giai cấp có bản chất quốc tế. Bởi vì, giai cấp công nhân ở các nước đều là đối tượng bị giai cấp tư sản áp bức bóc lột nên họ dễ liên minh với nhau để chống kẻ thù chung là giai cấp tư sản.

Tóm lại, từ địa vị chính trị của giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản nêu ở trên đã quy định giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân lao động thực hiện lật đổ chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa để xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa không còn áp bức, bóc lột, bất công.

Chủ đề 7: Trình bày điều kiện chủ quan để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình?

a) Sự phát triển của bản thân giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng.

– Sự phát triển về số lượng phải gắn liền với sự phát triển về chất lượng giai cấp công nhân hiện đại, đảm bảo cho giai cấp công nhân thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Chất lượng giai cấp công nhân phải thể hiện ở trình độ trưởng thành về ý thức chính trị của một giai cấp cách mạng, tức là tự giác nhận thức được vai trò và trọng trách của giai cấp mình đối với lịch sử, do đó giai cấp công nhân phải được giác ngộ về lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.

– Là giai cấp đại diện tiêu biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến, chất lượng giai cấp công nhân còn phải thể hiện ở năng lực và trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, nhất là trong điều kiện hiện nay.

b) Do sự ra đời đảng chính trị của giai cấp công nhân quy định về mặt chủ quan, sự thành lập Đảng cộng sản là điều kiện có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Quy luật chung, phổ biến cho sự ra đời của Đảng Cộng sản là sự kết giữa chủ nghĩa xã hội khoa học, tức chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân.

Đảng cộng sản là nhân tố chủ quan quan trọng nhất để giai cấp công nhân thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, bởi vì:

Một là, việc thành lập Đảng là một tất yếu. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp nào muốn giành thắng lợi tất yếu phải tổ chức ra đảng chính trị để lãnh đạo cuộc đấu tranh. Do vậy, trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, giai cấp công nhân cũng tất yếu phải tổ chức ra chính đảng cách mạng của mình để lãnh đạo phong trào công nhân nhằm giành thắng lợi về tay mình.

Hai là, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đảng là tổ chức cao nhất, biểu hiện tập trung trí tuệ và lợi ích của giai cấp công nhân. Đảng gồm những con người ưu tú có giác ngộ chính trị cao, có khả năng tổ chức hoạt động thực tiễn. Đảng được trang bị chủ nghĩa Mác – Lênin, hệ tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân. Đảng luôn ở trung tâm của cuộc đấu tranh cách mạng.

Ba là, Đảng là lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân: trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn, Đảng đề ra cương lĩnh, đường lối, mục tiêu cách mạng đúng đắn.

Bốn là, Đảng giáo dục và tổ chức giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh để thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đảng ra đời làm cho phong trào công nhân phát triển về chất từ tự phát lên tự giác.

Thứ ba, do yêu cầu của sự liên minh giai cấp quy định. Phải có sự liên minh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác do giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Chủ đề 8: Trình bày nội dung cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin?

Trả lời

1.Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng

– Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc, không phân biệt ở dân tộc lớn hay nhỏ, ở trình độ phát triển cao hay thấp. Các dân tộc đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không dân tộc nào được giữ đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa.

– Để thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, trước hết phải thủ tiêu tình trạng áp bức giai cấp, trên cơ sở đó xóa bỏ tình trạng áp bức dân tộc;

-Phải đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đây là cở sở thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc.

2.Các dân tộc được quyền tự quyết

– Đó là quyền của các dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình, quyền tựu lựa chọn chế đọ chính trị và con đường phát triển của dân tộc mình

– Quyền tự quyết dân tộc bao gồm quyền tách ra thành lập một quốc gia dân tộc độc lập, đồng thời có quyền tự nguyện liên hiệp với dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.

3.Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc

– Phản ánh sự thống nhất giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, phản ánh sự gắn bó chặt chẽ giữa tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế chân chính.

– Là cơ sở vững chắc để đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động thuộc các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đây vừa là nội dung chủ yếu vừa là giải pháp quan trọng để liên kết các nội dung của Cương lĩnh dân tộc thành một chỉnh thể.

Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở lý luận quan trọng để các Đảng Cộng sản vận dụng thực hiện chính sách dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ đề 9:Trình bày nguồn gốc của tôn giáo?

Trả lời

– Nguồn gốc kinh tế- xã hội của tôn giáo:

+ Trong xã hội cộng sản nguyên thủy , do trình độ lực lượng sản xuất thất kém con người cảm thấy yếu đuối và bất lực trước thiên nhiên rộng lớn và bí ẩn . Vì vậy, họ đã gắn cho tư nhiên những sức mạnh, quyền ực to lớn, thần thánh hóa những sức mạnh đó. Từ đó, họ xây dựng lên những biểu tượng tôn giáo để thờ cúng.

+ Khi xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, con người cảm thấy bất lực trước thế mạnh của thế lực giai cấp thống trị. Họ không giải thích được nguồn gốc của sự phân hóa giai cấp và áp bức bóc lột, tội ác,.. Tất cả họ quy về số phận và định mệnh. Từ đó họ đã thần thánh hóa 1 số người thành những thần tượng có khả năng chi phối suy nghĩ và hành động người khác mà sinh ra tôn giáo

Như vậy sự yếu kém về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự bần cùng về kinh tế, áp bức vè chính trị , bất lực trước những bất công của xã hội là nguồn gốc sâu xa của tôn giáo.

– Nguồn gốc nhận thức của tôn giáo:

+ Ở những giai đoạn lịch sử nhất định, nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân mình còn có giới hạn. Mặt khác trong tự nhiên và xã hội có nhiều điều khoa học chưa khám phá và giải thích được nên con người lại tìm đến tôn giáo

+ Sự nhận thức của con người có khi xa rồi hiện thực, thiếu khách quan dễ rơi vào ảo tưởng, thần thánh hóa đối tượng

– Nguồn gốc tâm lý của tôn giáo:

+ Do sự sợ hãi , lo âu của con người trước sức mạnh của tự nhiên va xã hội mà dẫn đến việc sinh ra tôn giáo. Các hà duy vật cổ đại thường đưa ra luận điểm” sự sợ hãi sinh ra tôn giáo”. V.I.Lenin cho rằng , sự sợ hãi trước thế ực mù quáng của tư bản,., sự phá sản“ đột ngột”, “bất ngờ”,”ngẫu nhiên”, làm họ bị diệt vong…, dồn họ vào cảnh chết đói, đó chính là nguồn gốc sâu xa của tôn giáo hiện đại.

Chủ đề 10: Trình bày những đặc trưng cơ bản của CNXH theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin?

Trả lời

– Đặc trưng thứ nhất: cơ sở vật chất của CNXH là nền sản xuất CN hiện đại.

Chỉ có nền sản xuất công nghiệp hiện đại mới đưa năng suất lao động lên cao, tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, đảm bảo đáp ứng những nhu cầu về vật chất và văn hóa của nhân dân , không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội cho toàn dân . Nền CNHĐ đó được phát triển dựa trên lực lượng sản xuất đã phát triển cao. Ở những nước thực hiện sự quá độ “ bỏ qua chế độ tư bản CN lên CNXH” trong đó đương nhiên có Việt Nam thì đương nhiên phải có quá trình CNH-HĐH để từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho CNXH

– Đặc trưng thứ 2: CNXH đã xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu.

+ Thủ tiêu chế độ tư hữu là cách nói văn tắt nhất, tổng quát nhất về thực chất của công cuộc cải tạo xã hội theo lập trường của giai cấp công nhân. Tuy nhiên , xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung mà là xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa

+ CNXH được hình thành dựa trên cơ sở từng bước thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất , bao gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Chế đọ sở hữu này được củng cố , hoàn thiện , bảo đảm thích ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, xóa bỏ dần những mâu thuẫn đối khang trong xã hội, làm cho mọi thành viên trong xã hội ngày càng gắn bó với nhau vì những lợi ích căn bản.

– Đặc trưng thứ ba: CNXH tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới

+ Quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa là 1 quá trình hoạt động tự giác của đại đa số nhân dân lao động vì lợi ích của đa số nhân dân. Chính bản chất và mục đích đó, cần phải tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới phù hợp với địa vị làm chủ của người lao động, đồn thời khắc phục những tàn dư của tình trạng lao động bị tha hóa trong xã hội cũ

– Đặc trưng thứ 4: CNXH thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động- nguyên tắc phân phối cơ bản nhất

+ CNXH bảo đảm cho mọi người có quyền bình đẳng trong lao động sáng tạo và hưởng thụ . Mọi người có sức lao động đều có việc làm và được hưởng thụ lao động theo nguyên tắc “ làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Đó là 1 trong những cơ sở của công bằng xã hội ở giai đoạn này.

– Đặc trưng thứ 5: CNXH có Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới , nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và dân tộc sâu sắc thực hiện quyền lợi và lợi ích của nhân dân.

+ Nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo . Thông qua nhà nước, Đảng lãnh đạo toàn xã hội về mọi mặt và nhân dân lao động thực hiện quyền lực và lợi ích của mình trên mọi mặt của xã hội . Nhân dân lao động tham gia nhiều vào công việc nhà nước. Đây là 1 “ nhà nước nửa nhà nước” với tính tự giác , tự quản của nhân dân rất cao thể hiện các quyền dân chủ , làm chủ và lợi ích của chính mình ngày càng rõ hơn.

– Đặc trưng thứ 6: CNXH đã giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, thực hiện công bằng bình đẳng tiến bộ xã hội tạo những điều kiện cơ bản để con người phát triển toàn diện.

+ Mục tiêu cao nhất của CNXH là giải phóng con người khỏi ách áp bức về kinh tế và nô dịch về tinh thần bảo đảm sự phát triển toàn diện cá nhân, hình thành và phát triển lối sống xã hội chủ nghĩa làm cho mọi người phát huy tích cực của mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa mà xóa bỏ sự đối kháng giai cấp , xóa bỏ tình trạng người bóc lột người , tình trạng nô dịch và áp bức dân tộc thực hiện được sự công bằng bình đẳng xã hội.

Chủ đề 11: Trình bày đặc điểm của thời kỳ quá độ lên CNXH?

Trả lời

Thực chất thời kì quá độ lên CNXH ở Việt Nam là thời kì cải biến cách mạng từ nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không qua giai đoạn phát triển TBCN. Xã hội của thời kì quá độ ở Việt Nam là xã hội có sự đan xen của nhiều tàn dư về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần và những yếu tố mới phát sinh chưa phải là chủ nghĩa xã hội đã phát triển trên cơ sở chính của nó.

Có thể khái quát những đặc điểm cơ bản của thời kì quá độ lên CNXH ở Việt Nam như sau:

Trên lĩnh vực kinh tế:

Còn nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế,, song sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và thành phần kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa không chiếm vai trò chủ đạo; thời kì quá độ còn nhiều hình thức phân phối, ngoài phân phối theo lao động vẫn là chủ đạo vẫn còn phân phối theo mức độ đóng góp và quỹ phúc lợi xã hội; thời kì quá độ vẫn còn quan hệ bóc lột và bị bóc lột, song quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa không giữ vai trò thống trị.

Trên lĩnh vực chính trị:

Đảng ta khẳng định nhà nước xa hội mà nhâ dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ

Trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa:

Đảng cộng sản Việt Nam từng bước xây dựng nên văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, tiếp thu giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu văn hóa- tinh thần ngày càng tăng của nhân dân.

Trên lĩnh vực xã hội:

Do kết cấu của nền kinh tế nhiều thành phần quy định nên trong thời kì quá độ vẫn còn tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp và sự khác biệt giữa các giai cấp tầng lớp xã hội, giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Thời kì quá độ còn nhiều hình thức phân phối, ngoài phân phối theo lao động vẫn là chủ đạo vẫn còn phân phối theo mức độ đóng góp và quỹ phúc lợi xã hội; vẫn còn quan hệ bóc lột và bị bóc lột, song quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa không giữ vai trò thống trị. Bởi vậy, thời kì quá độ là thời kì đấu tranh chống lại áp bức, bất công và những tàn dư của xã hội cũ, thiết lập công bằng xã hội trên cơ sở thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động là chủ đạo.

Chủ đề 12. Trình bày những đặc trưng bản chất của CNXH Việt Nam?

Trả lời

+ Là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh;
+ Do nhân dân làm chủ;
+ Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất;
+ Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
+ Con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện;
+ Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ;
+ Có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản;
+ Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới

Chủ đề 13. Trình bày đặc điểm dân tộc Việt Nam?

Trả lời

Đặc điểm

  1. Có sự chênh lệch về số dân và các tộc người Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. 54 dân tộc trong đó dân tộc kinh chiếm 86% dân số, 53 dân tộc còn lại chiếm 14% dân số, phân bố rải rác trên địa bàn cả nước
  2. Các dân tộc cư trú sen kẽ nhau việt nam vốn là nơi chuyển cư của nhiều dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Tính chất chuyển cư như vậy đã tạo nên bản đồ cư trú của các dân tộc trở nên phân tán xen kẽ và làm cho các dân tộc ở Việt Nam không có lãnh thổ tộc người riêng. Vì vậy không có 1 dân tộc nào ở Việt Nam cứ trú tập trung và duy nhất trên địa bàn. thuận lợi các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu giúp đỡ nhau cugf phát triển. Mặt khác dễ nảy sinh mâu thuẫn xung đột
  1. Địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Đồng bào cư trú suốt dọc tuyến biên giới phía Bắc, Tây và Tây Nam, có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là địa bàn có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước và bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Trong tình hình hiện nay, miền núi là địa bàn tiềm năng, mang tính chiến lược, cơ bản cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  2. Các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển không đều. Về phương diện xã hội, trình độ tổ chức đời sống quan hệ xã hội của các dân tộc thiêủ số khác nhau. Về kinh tế phân loại: một số ít các dân tộc còn duy trì kinh tế chiếm đoạt , dựa vào khai thác tự nhiên, tuy nhiên đại bộ phận đã chuyển sang phương thức sản xuất tiến bộ, tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước
  3. Các dân tộc Việt nam có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu dài trong cộng đồng dân tộc quốc gia thống nhất. Là một trong những nguyên nhân và động lực quyết định mọi thắng lợi của dân tộc trong các giai đoạn lịch sử
  4. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, thống nhất. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, tâm lý, lối sống, tín ngưỡng tôn giáo mang tính đặc thù, tạo nên những sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc, tồn tại và phát triển trong tính đa dạng và thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Cốt cách của dân tộc Việt Nam:

Luôn đoàn kết gắn bó, Kiên cường bất khuất

Chủ đề 14. Trình bày tính chất của tôn giáo?

Trả lời

– Tính lịch sử của tôn giáo:

+ Có sự hình thành, tồn tại và phát triển trong những giai đoạn lịch sử nhất định, có khả năng biến đổi để thích nghi với nhiều chế độ chính trị – xã hội. Trong quá trình vận động của các tôn giáo, chính các điều kiện kinh tế – xã hội, lịch sử cụ thể đã làm cho các tôn giáo bị phân liệt, chia tách thành nhiều tôn giáo, hệ phái khác nhau

+Đến một giai đoạn lịch sử nào đó, khi khoa học và giáo dục giúp cho đại đa số quần chúng nhân dân nhận thức được bản chất các hiện tượng tự nhiên và xã hội thì tôn giáo sẽ dần dần mất đi vị trí của nó trong đời sống xã hội và cả trong nhận thức, niềm tin của mỗi người

– Tính quần chúng của tôn giáo:

+Là một hiện tượng xã hội phổ biến ở tất cả các dân tộc, quốc gia, châu lục. Tính quần chúng của tôn giáo không chỉ biểu hiệnở số lượng tín đồ rất đông đảo (tính đến năm 2019 có khoảng hơn 2,5 tỉ người theo đạo Thiên Chúa Giáo) mà còn thể hiện ở chỗ, các tôn giáo là nơi sinh hoạt văn hoá, tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân lao động

+luôn luôn phản ánh khát vọng của những người lao động về một xã hội tự do, bình đẳng, bá cái. Mặt khác, nhiều tôn giáo có tính nhân văn, nhân đạo và hướng thiện, vì vậy, được nhiều người ở các tầng lớp khác nhau trong xã hội, đặc biệt là quần chúng lao động, tin theo

– Tính chính trị của tôn giáo:

+Khi xã hội chưa có giai cấp, tôn giáo chỉ phản ánh nhận thức hồn nhiên, ngây thơ của con người về bản thân và thế giới xung quanh mình, tôn giáo chưa mang tính chính trị. Tính chất chính trị của tôn giáo chỉ xuất hiện khi XH đã phân chia giai cấp, có sự khác biệt, sự đối kháng về lợi ích

+Tôn giáo là sản phẩm của những điều kiện kinh tế – xã hội, phản ánh lợi ích, nguyện vọng của các giai cấp khác nhau trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc => tôn giáo mang tính chính trị

+Khi các giai cấp bóc lột, thống trị sử dụng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích giai cấp mình, chống lại các giai cấp lao động và tiến bộ xã hội, tôn giáo mang tính chính trị tiêu cực, phản tiến bộ.

Chủ đề 15. Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với tín ngưỡng tôn giáo hiện nay?

Trả lời

  1. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.
  2. Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia…
  3. Nội dung cốt lõi của của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng nhằm động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế xã hội an ninh quốc phòng đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung trong đó có đồng bào tôn giáo
  4. Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo không chỉ liên quan đến quần chúng tín đồ, các chức sắc tôn giáo, mà còn gắn liền với công tác đấu tranh với âm mưu , hoạt động lợi dụng tôn giáo gây tổn hại đến lợi ích tổ quốc, dân tộc . làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị do đẩng lãnh đạo ,
  5. Vấn đề theo đạo và truyền đạo Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật

Chủ đề 16. Trình bày các chức năng cơ bản của gia đình?

Trả lời

Chức năng cơ bản của gia đình:

  1. Chức năng tái sản xuất ra con người

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý tự nhiên của con người, đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống của gia đình, dòng họ mà còn đáp ứng nhu cầu về sức lao động và duy trì sự trường tồn của xã hội. Chức năng này quyết định đến mật độ đan cư và nguồn lực lao động của 1 quốc gia.

  1. Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục( quan trọng nhất)

Gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách đạo đức, lối sống của mỗi con người. Nó có ảnh hưởng lâu dài và toàn diện đến cuộc đời của mỗi thành viên, từ lúc lọt lòng tới khi trưởng thành và khi về già. Với chức năng này gia đình góp phần to lớn vào việc đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của xã hội, cung cấp và nâng cao chất lượng nguồn lao động để duy trì cho sự trường tồn của xã hội

  1. Chức năng kinh tế và tổ chức tiêu dùng

+ Là đơn vị duy nhất tham gia vào quá trình sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động cho xã hội

+ Gia đình thực hiện chức năng tổ chức tiêu dùng hàng hóa để duy tri đời sống của gia đình về lao động sản xuất cũng như các sinh hoạt trong gia đình

+ Thực hiện chức năng này gia đình đảm bảo nguồn sinh sống, đáp ứng nhu cầu vật chất tinh thần của các thành viên trong gia đình, đóng góp vào quá trình sản xuất và tái sản xuất ra của cải sự giàu có của xã hội. Thực hiện tốt chức năng này không những tạo cho gia đình có cơ sở để tổ chức tốt đời sống nuôi dạy con cái, mà còn đóng góp to lớn đối với sự phát triển của xã hội

  1. Chức năng thỏa mãn tâm sính lý , duy trì tình cảm của con người.

Đây là chức năng có tính văn hóa – xã hội của gia đình. Chức năng này kết hợp với cách chức năng khác tạo ra khả năng thực tế cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến giới tính, tuổi tác, sự căng thẳng mệt mỏi về thể xác và tâm hồn trong lao động và công tác … thì môi trường gia đình là nơi giải quyết có hiệu quả nhất.

Trong gia đình, mọi thành viên đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện các chức năng trên, trong đó người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi họ đảm nhận một số thiên chức không thể thay thế được. Vì vậy, việc giải phóng phụ nữ được coi là mục tiêu quan trọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cần phải bắt đầu từ gia đình.

Tóm lại: gia đình, thông qua việc thực hiện các chức năng vốn có của mình, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Các chức năng này có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau. Việc phân chia chúng là tương đối. Cần tránh tư tưởng coi trọng chức năng này coi nhẹ chức năng kia, hoặc tư tưởng hạ thấp chức năng gia đình. Mọi quan điểm tuyệt đối hóa, đề cao quá hay phủ nhận, hạ thấp vai trò của gia đình đều là sai lầm.

Download miễn phí trọn bộ 20 câu hỏi trả lời học phần chủ nghĩa xã hội khoa học PDF

Trên đây là bộ 20 câu hỏi ôn tập chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc học phần lý luận chính trị. Cảm ơn bạn đã tham khảo trên ttnguyen.net. Chúc các bạn ôn tập tốt

Nguyễn Tiến Trường

Mình viết về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, Viết về câu chuyện những ngày không có em