Cloud Computing là gì? đặc điểm của điện toán đám mây

Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu các định nghĩa về cloud computing và các đặc điểm của điện toán đám mây. Với những thông tin hữu ích này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về sức mạnh và lợi ích mà công nghệ điện toán đám mây mang lại.

Xem thêm:

Community Cloud là gì ? So sánh với Public, Private Cloud

IaaS, PaaS và SaaS là ​​gì? Đặc điểm, ví dụ minh họa

I. Cloud Computing là gì?

1. Khái niệm

Cloud Computing – điện toán đám mây là việc cung cấp các dịch vụ điện toán – máy chủ, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, mạng, phần mềm, phân tích, thông tin và nhiều dịch vụ khác qua internet (đám mây). Cloud Computing cho phép chuyển đổi tài nguyên linh hoạt và quy mô lớn. Bạn thường chỉ trả tiền cho các dịch vụ đám mây mà bạn sử dụng. Từ đó, giúp giảm chi phí vận hành, vận hành cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn và mở rộng quy mô khi nhu cầu kinh doanh của bạn thay đổi.

Công ty cung cấp các dịch vụ này được gọi là nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Ví dụ, một số nhà cung cấp như Microsoft Azure, Amazon Web Services (AWS) và Google Cloud Platform (GCP). Nhà cung cấp đám mây chịu trách nhiệm về phần cứng vật lý cần thiết để thực thi công việc của bạn và cập nhật nó.

2. Các dịch vụ được cung cấp bởi điện toán đám mây

– Compute power: Đây là khả năng xử lý của máy tính, thường được đo bằng CPU (bộ xử lý trung tâm). Điện toán đám mây cung cấp các máy chủ Linux hoặc ứng dụng web để bạn có thể tấn dụng sức mạnh tính toán thay vì phải mua và quản lý máy chủ riêng.

– Storage (Lưu trữ): Cloud cho phép bạn lưu trữ dữ liệu của mình trên các kho lưu trữ đám mây, chẳng hạn như file và database, thay vì lưu trữ trên máy tính cá nhân.

– Networking (Mạng): Điện toán đám mây đảm bảo kết nối an toàn giữa nhà cung cấp dịch vụ đám mây và công ty của bạn để bạn có thể truy cập và quản lý dữ liệu của mình trên đám mây.

– Analytics (Phân tích): Cloud cung cấp các công cụ để giúp bạn phân tích và visualize dữ liệu, chẳng hạn như dữ liệu telemetry (dữ liệu vận hành) và dữ liệu về hiệu suất. Nhờ đó, bạn có thể hiểu rõ hơn về cách ứng dụng hoặc dịch vụ đám mây của bạn đang hoạt động.

II. Các đặc điểm chính

1. High availability (Tính sẵn sàng cao): Khả năng duy trì các dịch vụ hoạt động liên tục trong thời gian dài. Ví dụ, một trang web thương mại điện tử lớn có thể chạy song song trên hai máy chủ. Nếu một máy chủ gặp sự cố, hệ thống tự động chuyển hướng sang máy chủ còn lại, giúp khách hàng truy cập và mua sắm mà không bị gián đoạn. Điều này giúp duy trì trải nghiệm người dùng và bảo vệ doanh thu doanh nghiệp.

2. Scalability (Khả năng mở rộng): Khả năng tăng giảm tài nguyên linh hoạt. Khả năng mở rộng cho phép hệ thống linh hoạt tăng hoặc giảm tài nguyên theo nhu cầu. Việc mở rộng có thể thực hiện theo chiều ngang (scale out) bằng cách thêm máy chủ hoặc theo chiều dọc (scale up) bằng cách nâng cấp tài nguyên máy chủ hiện có. Ví dụ, một ứng dụng trò chơi có thể cần mở rộng tài nguyên để đáp ứng lượng người dùng tăng cao khi ra mắt phiên bản mới. Nhờ khả năng mở rộng, ứng dụng có thể tự động thêm máy chủ để đáp ứng nhu cầu mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

3. Elasticity (Tính đàn hồi): Tính đàn hồi cho phép hệ thống tự động điều chỉnh tài nguyên phù hợp với nhu cầu hiện tại. Điều này giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí, vì tài nguyên sẽ tự động thêm hoặc giảm để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn, một công ty phân tích dữ liệu có thể tự động tăng tài nguyên tính toán khi cần xử lý lượng dữ liệu lớn trong thời gian ngắn, sau đó giảm tài nguyên khi hoàn thành, tiết kiệm chi phí vận hành.

4. Agility (Tính linh hoạt): Đề cập đến khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi, điều chỉnh tài nguyên.

  • Phân bổ và thu hồi tài nguyên: Dịch vụ đám mây có thể cung cấp (phân bổ) tài nguyên máy tính khi bạn cần và thu hồi lại khi bạn không cần nữa. Điều này giúp bạn chỉ phải trả tiền cho những tài nguyên thực sự sử dụng.
  • Cung cấp theo yêu cầu, tự phục vụ: Bạn có thể yêu cầu tài nguyên máy tính thông qua giao diện web hoặc API, mà không cần phải liên hệ với bộ phận IT. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
  • Cung cấp nhanh chóng: Dịch vụ đám mây có thể cung cấp tài nguyên máy tính chỉ trong vài phút, thay vì phải mất hàng ngày hoặc hàng tuần như với hạ tầng truyền thống.

5. Fault Tolerance (Khả năng chịu lỗi): Khả năng duy trì và chạy ngay cả trong trường hợp một thành phần hoặc dịch vụ ngưng hoạt động. Thông thường, dự phòng được tích hợp vào kiến trúc dịch vụ đám mây. Vì vậy nếu một thành phần bị lỗi, một thành phần sao lưu sẽ thay thế.

6. Global reach (Phạm vi toàn cầu): Phạm vi toàn cầu là khả năng của nhà cung cấp dịch vụ đám mây triển khai các trung tâm dữ liệu ở nhiều khu vực khác nhau, giúp ứng dụng đến gần hơn với khách hàng, giảm độ trễ và cải thiện hiệu suất. Ví dụ, một mạng xã hội có thể triển khai ứng dụng trên các trung tâm dữ liệu toàn cầu để cung cấp trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng tại các khu vực khác nhau.

7. Customer latency capabilities (Độ trễ): Độ trễ ảnh hưởng đến tốc độ phản hồi của các dịch vụ đám mây, nhưng bằng cách triển khai tài nguyên ở nhiều trung tâm dữ liệu toàn cầu, độ trễ có thể được giảm thiểu. Ví dụ, một dịch vụ stream nhạc trực tuyến sử dụng mạng phân phối nội dung (CDN) để lưu trữ dữ liệu âm nhạc tại nhiều địa điểm, cho phép phát trực tiếp nhanh hơn và giảm độ trễ.

8. Predictive cost considerations (Chi phí dự kiến): Khi bạn sử dụng dịch vụ đám mây, bạn có thể dùng các công cụ để dự đoán trước khoản phí sẽ phải trả cho dịch vụ đó. Nhà cung cấp sẽ cung cấp giá cho từng dịch vụ riêng lẻ, và họ cũng cung cấp cho bạn những công cụ để ước tính chi phí trong tương lai dựa trên việc sử dụng dịch vụ của bạn tăng lên.

9. Technical skill requirements and considerations (Yêu cầu kỹ thuật): Người dùng không cần phải có kỹ năng xây dựng và bảo trì hạ tầng phần cứng và phần mềm mà vẫn có thể chạy được ứng dụng mong muốn.

10. Increased productivity (Tăng năng suất): Giảm thiểu quản lý cơ sở hạ tầng, tập trung vào kinh doanh.

11. Security: Các nhà cung cấp đám mây cung cấp một loạt các chính sách, công nghệ, kiểm soát. Do đó, tăng cường bảo mật, giúp bảo vệ dữ liệu, ứng dụng và cơ sở hạ tầng khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn.

III. Sự tiện lợi của điện toán đám mấy đối với Startup

Trước đây, các công ty khởi nghiệp cần phải có một địa điểm và cơ sở hạ tầng vật lý để bắt đầu kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc cần rất nhiều tiền để khởi động một doanh nghiệp mới hoặc để phát triển một công ty hiện có. Họ cần phải mua các trung tâm dữ liệu mới hoặc máy chủ mới để xây dựng các dịch vụ mới, sau đó họ mới có thể cung cấp cho khách hàng.

Tuy nhiên, ngày nay mọi thứ đã khác. Các tổ chức có thể đăng ký dịch vụ từ một nhà cung cấp đám mây để khởi nghiệp nhanh chóng. Điều này cho phép họ bắt đầu bán hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhanh hơn, mà không cần phải bỏ ra một khoản tiền lớn ngay từ đầu.

Doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc muốn mở rộng kinh doanh không cần phải bỏ ra một khoản tiền lớn ngay từ đầu để thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ mới. Thay vào đó, họ có thể tham gia thị trường ngay lập tức và chỉ trả chi phí cho phần cơ sở hạ tầng cần thiết, có thể tăng giảm tùy theo nhu cầu. Họ cũng có thể ngừng sử dụng dịch vụ bất cứ lúc nào, giúp tiết kiệm chi phí. Mô hình này tính tiền theo mức sử dụng, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít.

Hy vọng bài viết hữu ích. Cảm ơn bạn đã tham khảo an ninh mạng máy tính trên ttnguyen.net.

Bài viết liên quan:

So sánh triển khai ứng dụng lên hạ tầng vật lý và đám mây

So sánh AWS, Azure và Google Cloud Platform

Nguyễn Tiến Trường

Mình viết về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, Viết về câu chuyện những ngày không có em