Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng trở nên phức tạp, việc nắm vững và áp dụng các kỹ thuật phòng chống tấn công mạng phổ biến hiện nay là yếu tố quan trọng để bảo vệ dữ liệu và hệ thống của bạn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các kỹ thuật phòng chống tấn công mạng phổ biến hiện nay.
1. Mã hóa dữ liệu
Mã hóa dữ liệu là quá trình chuyển đổi thông tin từ dạng ban đầu thành dạng không thể đọc được hoặc hiểu được một cách dễ dàng mà không có khóa giải mã. Mục đích chính của mã hóa là bảo vệ thông tin khỏi sự truy cập trái phép hoặc lợi dụng bằng cách biến thông tin trở nên không hiểu được nếu không có khóa giải mã
Lợi ích của mã hoá:
- Đảm bảo quyền riêng tư của dữ liệu: Thuật toán mã hóa giúp bảo vệ dữ liệu, không cho phép bất kỳ ai có thể đọc được nội dung của thông tin đó.
- Bảo vệ dữ liệu: Mã hóa giúp bảo vệ tốt dữ liệu cả ở trạng thái nghỉ trong hệ thống lưu trữ lẫn trạng thái đang được truyền tải trong môi trường Internet. Nếu một thiết bị của doanh nghiệp bị đánh cắp, nhưng dữ liệu trong đó được mã hóa đúng cách thì các dữ liệu vẫn được bảo mật tốt.
- Xác thực: Với bộ khóa mật mã được cấp riêng cho từng thiết bị giúp xác thực danh tính hiệu quả, tránh việc bị đánh cắp dữ liệu từ các bên không rõ nguồn gốc.
2. Xác thực người dùng
Xác thực người dùng là quá trình xác định danh tính của người dùng khi họ cố gắng truy cập vào hệ thống hoặc tài nguyên. Mục tiêu của quá trình này là đảm bảo rằng chỉ những người dùng được ủy quyền mới có thể truy cập vào thông tin hoặc dịch vụ cụ thể.
Một số phương pháp phổ biến được sử dụng trong quá trình xác thực người dùng:
- Tên người dùng và mật khẩu (Username/Password): Với Username Là định danh duy nhất của người dùng trong hệ thống và Password chính là chuỗi ký tự bí mật mà chỉ người dùng và hệ thống biết. Khi người dùng nhập đúng cả hai thông tin này, hệ thống sẽ xác nhận danh tính và cho phép truy cập vào các dịch vụ hoặc tài nguyên liên quan. Đây là cách xác thực đơn giản nhất và cũng là cơ bản nhất trong việc bảo mật. Tuy nhiên thông tin này có thể bị nhìn trộm và đánh cắp trong quá trình truy cập. Do đó, cần một số giải pháp nhằm nâng cao bảo mật:
- Sử dụng password có độ dài lớn, chứa chữ cái in hoa, chữ thường, chữ số và các ký tự đặc biệt.
- Không đặt password trùng với ngày sinh, tên username, hay những password dễ đoán như từ 1 đến 9, admin.
- Thay đổi mật khẩu sau một thời gian nhất định, có thể là 3 tháng.
- Giới hạn số lần đăng nhập sai.
- Khoá tài khoản tạm thời sau một số lần cố gắng thử, thay vì khoá vĩnh viễn, để ngăn chặn tấn công brute-force.
- Thêm captcha vào quá trình đăng nhập để ngăn chặn các bot đang tự động thử mật khẩu.
- Chứng chỉ số (Digital Certificates): Là một dạng giấy chứng nhận điện tử được sử dụng để xác thực danh tính của người dùng, thiết bị hoặc tổ chức trong một hệ thống mạng. Chứng chỉ số được cấp bởi một Tổ chức Chứng nhận (Certificate Authority – CA) chứa các thông tin: Tên chủ sở hữu, khoá công khai của chủ sở hữu, chữ ký số, ngày hết hạn của chứng chỉ. Một số chứng chỉ phổ biến:
- Chứng chỉ SSL: được sử dụng để bảo mật kết nối giữa trình duyệt web và máy chủ web, đảm bảo rằng dữ liệu truyền tải được mã hóa và bảo mật. Khi được triển khai trên một website, chứng chỉ SSL tự động chuyển đổi giao thức từ HTTP sang HTTPS và thiết lập các chỉ báo xác nhận tính xác thực của website, giúp người dùng nhận biết rằng website đó thuộc về một thực thể cụ thể.
- Chứng chỉ S/MIME: được sử dụng để mã hóa và ký số email, đảm bảo rằng nội dung email không bị đọc lén hoặc chỉnh sửa trong quá trình truyền tải.
- Chứng chỉ mã: được sử dụng để ký số phần mềm và ứng dụng, đảm bảo rằng phần mềm hoặc mã không bị thay đổi kể từ khi được phát hành bởi nhà phát triển.
- Chứng chỉ VPN: được sử dụng để xác thực người dùng và thiết bị trong các mạng riêng ảo, đảm bảo rằng chỉ những người dùng được ủy quyền mới có thể truy cập vào mạng.
3. Giám sát và phát hiện xâm nhập
- Logging: Là quá trình ghi lại các sự kiện và hoạt động xảy ra trong hệ thống hoặc mạng. Có thể kiểm tra xem các máy tính truy cập vào hệ thống tại thời điểm nào, thực hiện những sự kiện nào.
- Scanning: Là quá trình kiểm tra mạng và hệ thống để phát hiện lỗ hổng bảo mật và các điểm yếu khác có thể bị khai thác. Với việc sử dụng công cụ quét như Nmap có thể phát hiện ra các dịch vụ mạng mở và kiểm tra các cổng mạng được sử dụng.
- Monitoring: Là quá trình giám sát liên tục hoạt động và hiệu suất của mạng và hệ thống để phát hiện bất thường và dấu hiệu xâm nhập. Các công cụ giám sát như Nagios cho phép theo dõi các dịch vụ trực tuyến, tải lượng mạng và hoạt động của các thiết bị mạng để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định.
4. Sử dụng các công nghệ bảo mật khác
Bảo mật bằng Firewall:
- Firewall có thể được mô tả như một bức tường an ninh đặt giữa hai mạng máy tính khác nhau, như một biên giới giữa mạng nội bộ của tổ chức và Internet. Vai trò chính của firewall là ngăn chặn và kiểm soát luồng thông tin đi qua giữa hai mạng này, đảm bảo rằng chỉ những dữ liệu được phép theo đúng các chính sách truy cập mới có thể truy cập vào hoặc ra khỏi mạng.
- Việc lựa chọn firewall phù hợp cho một hệ thống không phải là điều dễ dàng. Các loại firewall đều phụ thuộc vào môi trường sử dụng, cấu hình mạng cụ thể và các yêu cầu ứng dụng. Khi đánh giá và lựa chọn một firewall cần tập trung vào việc tìm hiểu các chức năng của firewall như lọc địa chỉ, gói tin.
Bảo mật bằng IDS và IPS:
- IDS (Intrusion Detection System): là một công nghệ bảo mật mạng được sử dụng để giám sát và phát hiện các hoạt động xâm nhập vào hệ thống mạng. IDS hoạt động bằng cách kiểm tra lưu lượng mạng và dữ liệu, nhận diện các mẫu hoặc hành vi không mong muốn, và tạo ra cảnh báo khi phát hiện sự vi phạm.
- IPS (Intrusion Prevention System): là một công nghệ bảo mật mạng được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài hoặc bên trong mạng. IPS hoạt động bằng cách kiểm soát và giám sát lưu lượng mạng, phát hiện các hành vi không mong muốn hoặc bất thường, và tự động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như chặn kết nối đến các nguồn đáng ngờ hoặc chặn gói tin độc hại.