Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số biện pháp bảo mật cho mạng LAN, giúp bạn xây dựng một hệ thống an toàn, ổn định.
Xem thêm:
1. Hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập IDS/IPS
1.1 Hệ thống phát hiện xâm nhập IDS
Hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) là một thiết bị hoặc ứng dụng phần mềm chuyên giám sát lưu lượng mạng và các hành vi đáng ngờ, nhằm cảnh báo cho người quản trị hệ thống. Mục đích của IDS là phát hiện và ngăn chặn các hành động gây nguy hại đến bảo mật hệ thống, cũng như các hoạt động liên quan đến quá trình tấn công như dò tìm hoặc quét cổng.
IDS có thể phân biệt giữa những cuộc tấn công nội bộ (từ nhân viên hoặc khách hàng trong tổ chức) và cuộc tấn công bên ngoài (từ hacker).
Hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) phát hiện các hành vi đáng ngờ dựa trên hai phương pháp chính: dựa trên chữ ký và dựa trên hành vi. Phương pháp dựa trên chữ ký sẽ so sánh các sự kiện với cơ sở dữ liệu các cuộc tấn công đã biết, trong khi phương pháp dựa trên hành vi xác định các hoạt động bất thường so với hành vi “bình thường” của hệ thống. Một số IDS kết hợp cả hai phương pháp để tăng cường hiệu quả phát hiện và giảm thiểu cảnh báo sai.
Chức năng hệ thống phát hiện xâm nhập IDS bao gồm:
- Giám sát lưu lượng mạng và các hoạt động khả nghi.
- Cảnh báo về tình trạng mạng cho hệ thống và nhà quản trị.
- Kết hợp với các hệ thống giám sát, tường lửa, diệt virus tạo thành một hệ thống bảo mật hoàn chỉnh.
1.2 Hệ thống ngăn chặn xâm nhập IPS
Hệ thống ngăn chặn xâm nhập (IPS) là một thiết bị hoặc ứng dụng phần mềm không chỉ phát hiện mà còn chủ động ngăn chặn các cuộc tấn công vào hệ thống mạng. Giống như IDS, IPS giám sát lưu lượng mạng và các hành vi đáng ngờ, nhưng thay vì chỉ cảnh báo cho người quản trị, IPS có khả năng tự động thực hiện các biện pháp ngăn chặn như chặn lưu lượng đáng ngờ, đóng kết nối, hoặc ngăn chặn truy cập vào các tài nguyên cụ thể.
Khi phát hiện một hành động độc hại hoặc lưu lượng truy cập đáng ngờ nào, hệ thống IPS sẽ tự động thực hiện một trong các hành động:
- Chấm dứt phiên TCP đã bị khai thác và chặn hoàn toàn truy cập đối với địa chỉ IPnguồn vi phạm, tài khoản người dùng, máy chủ đích.
- Thiết lập lại chương trình hoặc cấu hình lại tường lửa để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự.
- Xóa hoặc thay thế các nội dung độc hại còn sót lại trên mạng sau các cuộc tấn công. Quy trình thực hiện bao gồm xóa thông tin tiêu đề và xóa mọi tệp đính kèm bị nhiễm khỏi tệp hoặc máy chủ email.
2. Mạng riêng ảo (VPN)
Mạng riêng ảo (VPN) là công nghệ tạo ra kết nối an toàn và riêng tư giữa các thiết bị thông qua Internet. VPN cho phép truyền dữ liệu một cách bảo mật và ẩn danh qua các mạng công cộng. Bằng cách ẩn địa chỉ IP và mã hóa dữ liệu, VPN đảm bảo chỉ có người được cấp quyền mới có thể truy cập và đọc được dữ liệu.
Mạng riêng ảo gồm các chức năng chính:
- Bảo mật dữ liệu: VPN mã hóa dữ liệu truyền qua mạng công cộng như internet, đảm bảo rằng thông tin nhạy cảm không bị lộ khi truyền tải từ điểm này sang điểm khác.
- Ẩn địa chỉ IP: VPN che giấu địa chỉ IP thực của người dùng bằng cách thay thế nó bằng địa chỉ IP của máy chủ VPN. Điều này giúp bảo vệ tính riêng tư và đảm bảo người dùng không bị theo dõi hoặc giám sát dễ dàng trên mạng.
- Truy cập vào mạng nội bộ từ xa: VPN cho phép nhân viên hoặc người dùng từ xa kết nối và truy cập vào mạng nội bộ của công ty một cách an toàn. Điều này giúp tăng cường tính an toàn và sự linh hoạt trong công việc từ xa, đồng thời bảo vệ dữ liệu và các tài nguyên của tổ chức.
3. Mạng LAN ảo
VLAN (Virtual Local Area Network) hay còn gọi là mạng LAN ảo, là một công nghệ cho phép người quản trị mạng chia một mạng vật lý thành nhiều mạng logic (logical network) độc lập trên cùng một hạ tầng vật lý, như switch hoặc router.
Mỗi VLAN có thể có các thiết bị và người dùng khác nhau, nhưng chúng có thể giao tiếp trực tiếp với nhau như trong cùng một mạng local, và không thể truy cập vào các VLAN khác mà không có sự cho phép. VLAN cho phép người quản trị thiết lập các chính sách bảo mật, quản lý lưu lượng mạng và phân phối tài nguyên mạng một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.
Lợi ích của chia VLAN:
- Tăng khả năng bảo mật: VLAN cho phép ngăn chặn truy cập không ủy quyền vào các phân đoạn mạng khác, bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và tăng cường an ninh mạng.
- Tối ưu hoá hiệu suất mạng: Phân chia mạng thành các VLAN nhỏ giúp giảm đụng độ và tối ưu hóa lưu lượng mạng, cải thiện hiệu suất và đáp ứng nhu cầu của người dùng.
- Dễ dàng quản lý: VLAN cung cấp khả năng quản lý mạng linh hoạt hơn bằng cách cho phép áp dụng chính sách mạng và phân bổ tài nguyên mạng dựa trên các nhóm người dùng, ứng dụng hoặc vị trí vật lý.
- Khả năng mở rộng: VLAN cho phép mở rộng mạng và thay đổi cấu trúc mạng mà không cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng vật lý, giúp tiết kiệm chi phí và tăng cường sự linh hoạt của hệ thống.